Chào mừng các bạn đã quay trở lại với kênh review của Crown Luxury. Hôm nay chúng tôi tiếp tục mang đến cho các bạn một chiếc đồng hồ đến từ thương hiệu Richard Mille. Có thể nói, việc kết hợp với những ngôi sao thể thao nổi tiếng thế giới tạo nên những chiếc đồng hồ mang dấu ấn đặc trưng là một trong những chìa khoá tạo nên tiếng tăm của thương hiệu đồng hồ còn khá non trẻ này.
Trong đó, việc kết hợp với Rafael Nadal – cầu thủ quần vợt hàng đầu thế giới, anh đã sở hữu 20 danh hiệu Grand Slam danh giá, đồng thời lập kỷ lục là vận động viên duy nhất trong lịch sử giành chiến thắng 13 lần tại giải French Open.
Cả 2 đã hợp tác cho ra mắt 2 bộ sưu tập nổi tiếng đó chính là RM 027 và RM 035. Trong video gần đây chúng ta đã được chiêm ngưỡng phiên bản mới nhất của bộ sưu tập RM 027 đình đám: RM 27-04, và lần này, Crown Luxury xin giới thiệu đến các bạn chiếc đồng hồ mới nhất của bộ sưu tập RM 035 – chiếc RM 35-03 CA FQ Automatic Rafael Nadal, đây chiếc đồng hồ thứ tư trong bộ sưu tập này.
Trong cuộc đua Haute Horlogerie – nghệ thuật chế tạo đồng hồ cao cấp, thương hiệu Richard Mille đã chứng tỏ được tham vọng của mình khi tung ra chiếc đồng hồ này.
Được trình làng vào cuối năm 2021, RM 35-03 đã ngay lập tức gây chú ý với bộ vỏ siêu nhẹ, mặt số skeleton đẹp mắt và hơn hết chính là bộ máy vận hành với rotor cánh bướm cực kỳ ấn tượng.
RM 35-03 được cho ra mắt với hai phiên bản, một phiên bản với mặt trên và dưới của bộ vỏ màu xanh đậm, phần giữa là màu trắng, đều được chế tác từ Quartz TPT®. Được phối cùng với núm vặn màu đỏ và dây đeo trắng tinh.
Còn với phiên bản hôm nay lại có phần tươi sáng hơn với hai lớp trên dưới của bộ vỏ là Quart TPT. Lớp giữa là phần vỏ cấu tạo từ Carbon TPT®. Phần dây đeo và núm vặn cùng tone xanh da trời dịu mắt.
RM 35-03 được phối kèm với bộ dây cao su mềm mại, bên trên đó là các lỗ thoát khí khá đẹp mắt được lấy cảm hứng từ những chiếc xe đua hiệu suất cao.
RM 35-03 có kích thước 43.15mm x 49.9mm với những đường nét răng cưa cách điệu ở hai bên cạnh làm chiếc đồng hồ trở nên mạnh mẽ và khỏe khoắn hơn.
Mặt số skeleton mà một trong những nét đặc trưng của Richard Mille, và ở phiên bản mới này, chúng ta được chiêm ngưỡng một thiết kế rất đẹp mắt, được lấy cảm hứng từ hình dạng đối xứng của cánh bướm, chi tiết này như một sự nhấn mạnh đầy tự hào của hãng với thiết kế rotor cánh bướm nằm phía dưới.
Các cọc số 3 6 9 và 12 được thiết kế vát nghiêng về trung tâm để tăng cường chiều sâu cho phần mặt số này.
Trong những thiết kế gần đây, chức năng Function Selector cũng khá được ưu ái khi liên tục xuất hiện trong các mẫu đồng hồ mới của hãng, nó được hiển thị bằng một mặt số phụ tại góc 2 giờ, gồm 3 ký tự W – N – H và được điều khiển bởi 1 nút bấm ngay bên trên núm chỉnh.
Ở trạng thái bình thường, kim sẽ chỉ vào vị trí N – tượng trưng cho neutral, đây là trạng thái hoạt động bình thường của đồng hồ. Khi ta bấm vào nút Selector, kim sẽ chuyển sang H, có nghĩa là Hand Setting, đây là chế độ chỉnh giờ của đồng hồ. Tiếp tục bấm nút thêm 1 lần nữa ta sẽ chuyển sang W – tượng trưng cho Winding, lúc này ta có thể lên cót thủ công cho đồng hồ bằng cách vặn núm chỉnh thuận chiều kim đồng hồ.
Trong khi bộ máy Calibre RMAL1 của người tiền nhiệm RM 35-02 đã sở hữu một rotor hình học có thể thay đổi biến thiên – một thành phần đặc trưng của các bộ chuyển động tự động của Richard Mille – thì rotor cánh bướm mới của RM 35-03 cho phép người đeo tương tác trực tiếp với hình dạng của rotor, điều khiển chuyển động của tốc độ tích cót dựa trên nhịp sống hằng ngày và mức độ hoạt động của mình, một sự phức tạp thú vị nhưng rất thiết thực.
Sau 3 năm phát triển, Richard Mille đã tạo ra hệ thống mới với Rotor hình cánh bướm để sáng tạo chuyển động lên dây cót cho chiếc RM 35-03.
Salvador Arbona – Giám đốc kỹ thuật của bộ máy đã giải thích:
“Chúng tôi muốn hoàn thiện hệ thống này và mang đến cho người đeo khả năng tác động trực tiếp lên tốc độ lên dây của đồng hồ, giống như việc người lái xe có thể điều chỉnh kiểu truyền động từ nhu cầu đi xe ở trong thành phố sang nhu cầu ở trên đường đua bằng cách kích hoạt chế độ thể thao”,
Với sự sáng tạo đột phá, Richard Mille đã nghiễm nhiên được sở hữu bằng sáng chế cho phát minh này.
Rôto cánh bướm giúp cho người đeo có khả năng tự thay đổi hình dạng rôto, điều khiển việc lên dây cót của chuyển động theo lối sống và hoạt động thể thao của họ.
Rotor cánh bướm bao gồm 2 cánh làm bằng titan cấp độ 5 kết hợp với kim loại, và được kích hoạt bởi một bộ truyền bánh răng riêng biệt thông qua một bộ phận đẩy chuyên dụng. Ở vị trí ban đầu, hai cánh của Rotor khép lại thành hình dạng nửa vầng trăng, và hoạt động như một rotor bình thường, biến mọi chuyển động của người đeo thành mô-men xoắn cần thiết để quay và tích năng lượng vào hộp cót. Tuy nhiên, nhấn vào nút bấm Sport Mode ở góc 7 giờ thì các bánh răng của rotor sẽ truyền hai quả nặng sang một góc 180 độ, trọng tâm được căn chỉnh và rotor trở lại vị trí cân bằng, tạm ngưng quá trình cuộn dây và do đó ngăn cản chuyển động quá mức của cuộn dây.
Một chỉ báo lên cót ở hướng 6 giờ trên mặt số, cho biết quá trình tích cót có đang hoạt động hay không, với OFF là chế độ lên cót tự động bình thường và ON là khi cánh bướm xòe ra và quá trình tích cót được tạm dừng.
Thiết kế hiện đại đẹp mắt, công nghệ đột phá mới mẻ và quan trọng nhất là tính ứng dụng của nó, đó là tất cả những gì Richard Mille đã gửi gắm vào siêu phẩm RM 35-03. Với thiết kế rotor cánh bướm này, nó không chỉ đạt đỉnh cao trong sự sáng tạo kỹ thuật, mà qua đó còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến trải nghiệm của người đeo, giúp chiếc đồng hồ trở nên hữu ích và thực tế hơn khi người chủ sở hữu có thể đeo RM 35-03 một cách tự tin trong các sinh hoạt hằng hay và cả khi hoạt động với cường độ mạnh mà không lo ngại sẽ gây ra bất kỳ tổn hại nào đến chiếc đồng hồ thân yêu của mình.