Vào tháng 4 năm 1972, sự kiện ra mắt chiếc đồng hồ bằng thép đắt nhất thị trường của Audemars Piguet đã tạo nên một làn sóng dư luận trái chiều và nhận định tiêu cực. Nhưng những gì xảy ra tiếp theo đã trở thành lịch sử, chiếc đồng hồ đó chính là phiên bản đầu tiên của cái tên Royal Oak – một dấu son trong lịch sử phát triển của Audemars Piguet nói chung và nó cũng góp phần không nhỏ vào việc định nghĩa phân khúc đồng hồ thể thao sang trọng cho đến tận bây giờ. Dĩ nhiên không thể không nhắc đến đôi tay tài hoa đã chắp bút cho thiết kế lịch sử này đó chính là ngài Gerald Genta.
Xin giới thiệu đến các bạn hai chiếc đồng hồ của chúng ta hôm nay Audemars Piguet Royal Oak Selfwinding mã hiệu 15510ST.OO.1320ST.06
Ra mắt vào năm 2023, những phiên bản trên tay tôi hôm nay là một sự thay thế cho phiên bản Royal Oak 41mm được cho ra mắt nhân dịp kỷ niệm 50 năm bộ sưu tập Royal Oak năm 2022. Vẫn giữ nguyên những nét đặc trưng làm nên tên tuổi của mình, nhưng Audemars Piguet đã có những thay đổi nhỏ trong thiết kế nhằm làm mới mình và tăng trải nghiệm cho người dùng.
Những đường vát cạnh trên bộ vỏ và dây đeo đã được cải tiến với góc cắt lớn hơn, phần nào đã tăng độ thẩm mỹ cũng như khả năng bắt sáng của chiếc đồng hồ.
Nhắc đến Royal Oak chúng ta cũng không thể bỏ qua họa tiết “Grande Tapisserie” cực kỳ đặc trưng trên phần nền mặt số đồng hồ, trong hai phiên bản này, phần mặt số đen đã tạo ra sự tương phản rõ rệt với bộ vỏ thép, tạo ra một tổng thể đầy nam tính và cuốn hút. Còn đối với phiên bản còn lại, nó lại mang đậm nét cổ điển và thể hiện một tinh thần Royal Oak đậm nét hơn bao giờ hết với phần mặt số xanh “Bleu nuit nuage 50” truyền thống.
Đặt trên đó là bộ kim và các cọc số với thiết kế đồng bộ, được phủ chất phát quang nhằm hỗ trợ việc xem đồng hồ trong điều kiện thiếu sáng.
Thay thế cho cọc số 3h là một ô cửa sổ nhỏ chỉ báo ngày cho đồng hồ.
Nếu để ý kĩ, chúng ta sẽ nhận ra logo tên thương hiệu trong phiên bản Royal Oak này đã được làm mới hoàn toàn thông qua việc đổi phông chữ và các kí tự sẽ được liên kết với nhau bằng những đường nối mảnh. Thoạt nhìn phần logo này sẽ tạo cảm giác hiện đại và trẻ trung hơn so với logo cũ, và trẻ hóa thương hiệu cũng là một xu hướng mạnh mẽ của các ông lớn đến từ Thụy Sĩ trong những năm gần đây.
Vai trò vận hành của chiếc đồng hồ được đảm nhiệm bởi bộ chuyển động tự lên cót Calibre 4302 được sản xuất hoàn toàn in-house bởi Audemars Piguet, bộ máy này có mức năng lượng dự trữ lên đến 70 giờ, sỡ hữu 32 chân kính và hoạt động ở tần số 28800 vph.
Với tuổi đời đã hơn 50 năm, nhưng bộ sưu tập Royal Oak hứa hẹn sẽ còn mang lại nhiều sự bất ngờ đến với giới mộ điệu và gặt hái thêm nhiều thành công trong nhiều năm nữa. Chính sự đổi mới không ngừng về thiết kế trong khi vẫn giữ được tính thẩm mỹ thiết yếu của chiếc đồng hồ nguyên bản đã giúp Royal Oak đạt đến vị thế biểu tượng văn hóa trong và ngoài ngành chế tác đồng hồ.