Trong giai đoạn những năm 70 của thế kỷ trước, sự đổ bộ mạnh mẽ của dòng đồ hồ sử dụng hộ máy thạch anh chạy pin giá rẻ của Nhật Bản trên toàn thế giới đã tạo ra sự uy hiếp mạnh mẽ đến lĩnh vực chế tác đồng hồ cơ học truyền thống - sự kiện này còn được gọi là Quartz Crisis - khủng hoảng thạch anh. Đây là một thách thức lớn đặc biệt là với các thương hiệu lâu đời như Audemars Piguet.
Vào tháng 4 năm 1972, sự kiện ra mắt chiếc đồng hồ bằng thép đắt nhất thị trường của Audemars Piguet đã tạo nên một làn sóng dư luận trái chiều và nhận định tiêu cực. Nhưng những gì xảy ra tiếp theo đã trở thành lịch sử, chiếc đồng hồ đó chính là phiên bản đầu tiên của cái tên Royal Oak - một dấu son trong lịch sử phát triển của Audemars Piguet nói chung và nó cũng góp phần không nhỏ vào việc định nghĩa một chiếc đồng hồ thể thao cho đến tận bây giờ. Dĩ nhiên không thể không nhắc đến đôi tay tài hoa đã chắp bút cho thiết kế lịch sử này đó chính là ngài Gerald Genta.
Vào năm 2022 Audemars Piguet đã cho ra mắt một bộ sưu tập đặc biệt kỷ niệm cột mốc 50 năm ra đời của bộ sưu tập Royal Oak với những thiết kế mới nhất. Một trong số đó là model 26240OR.OO.1320OR.01 - chiếc đồng hồ vàng hồng nguyên khối chronograph size 41mm mặt số xanh “Bleu Nuit, Nuage 50” - màu sắc được sử dụng trong phiên bản năm 1972. Điểm đặc biệt ở bộ sưu tập này là rotor có logo 50 năm như một sự vinh danh những thành công và giải thưởng danh giá mà Royal Oak đã gặt hái được.
Và chiếc đồng hồ Crown Luxury muốn giới thiệu đến các bạn hôm nay là Model Royal Oak Selfwinding Chronograph mang mã hiệu 26240OR.OO.D315CR.02 - là 1 sự thay thế cho model 26240OR.OO.1320OR.01 trong bộ sưu tập 50 năm kể trên.
Về phần ngoại hình, thiết kế này vẫn giữ cho mình những đặc điểm nhận dạng mạnh mẽ của dòng Royal Oak như viền bezel bát giác với 8 ốc vít cố định vào thân vỏ, hay ấn tượng nhất chính là những họa tiết Grande Tapisserie cực kỳ đẹp mắt trên phần mặt số màu xanh “Bleu Nuit, Nuage 50”.
Chiếc đồng hồ sở hữu bộ vỏ bằng vàng hồng 18k có đường kính 41mm, phần lớn bề mặt bộ vỏ và viền bezel được áp dụng kỹ thuật cà mờ và tạo điểm nhấn bằng những đường vát cạnh đánh bóng cực kỳ tinh tế. Đặt tại cạnh phải của bộ vỏ là 2 nút bấm của chức năng chronograph và núm chỉnh của đồng hồ. Kết hợp với phiên bản này là bộ dây da cá sấu màu xanh cùng tông với màu sắc của mặt số, đi cùng khóa gập cũng được chế tác từ vàng 18k.
Tại vị trí ngay bên dưới cọc số 12h là tên logo thương hiệu được chế tác từ vàng khá nổi bật. Nếu là một fan của Audemars Piguet thì chắc hẳn chúng ta sẽ nhận ra phần logo này đã được lược bỏ 2 ký tự AP viết tắt như các phiên bản trước, giờ đây chỉ có một dòng chữ Audemars Piguet được đặt trên mặt số. Ngay bên dưới đó là 2 mặt số phụ phục vụ cho chức năng chronograph được đặt lần lượt tại góc 9h và 3h.
Và tại vị trí 6h là mặt số phụ đếm giây của đồng hồ. Ô cửa sổ báo ngày được đặt vị trí ngay giữa 2 cọc số 4h và 5h. Hoàn thiện vẻ đẹp cho phần mặt số này là bộ kim và các cọc số được chế tác từ vàng hồng và phủ chất phát quang để hỗ trợ việc xem đồng hồ trong bóng tối.
Đảm nhiệm vai trò duy trì hoạt động cho đồng hồ là bộ chuyển động Calibre 4401. Bộ máy được lắp ráp từ 381 chi tiết, sở hữu 40 chân kính và hoạt động ở tần số 28800 vph. Cơ chế tự lên cót được đảm nhiệm bởi một rotor trung tâm khá đẹp mắt và bộ máy này có khả năng duy trì năng lượng tối đa lên đến 70h.
Với tuổi đời chỉ 50 năm, bộ sưu tập Royal Oak hứa hẹn sẽ còn mang lại nhiều sự bất ngờ đến với giới mộ điệu và gặt hái thêm nhiều thành công trong nhiều năm nữa. Chính sự đổi mới không ngừng về thiết kế trong khi vẫn giữ được tính thẩm mỹ thiết yếu của chiếc đồng hồ nguyên bản đã giúp Royal Oak đạt đến vị thế biểu tượng văn hóa trong và ngoài ngành chế tác đồng hồ.