Richard Mille chắc hẳn là một cái tên không cần phải giới thiệu quá nhiều khi nhắc đến. Được ra đời vào năm 2001 bởi ngài Richard Mille, ngay lập tức thương hiệu này đã khuấy đảo thị trường đồng hồ xa xỉ của thế giới, vốn là sân chơi của những thương hiệu có bề dày lịch sử hàng trăm năm. Nổi bật về sự tiên phong trong việc ứng dụng những vật liệu mới vào việc chế tác đồng hồ, những thiết kế của Richard Mille cũng rất táo bạo trong cách thể hiện chất riêng của mình, pha lẫn trong đó là sự tự do phóng khoáng và một chút nổi loạn của những nghệ sĩ thực thụ.
Đầu năm 2023, Richard Mille đã trình làng một thiết kế hoàn toàn mới mang mã hiệu RM 66 HORN TO BE WILD với số lượng giới hạn chỉ 50 chiếc trên toàn thế giới. Nó đã thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ từ giới mộ điệu với ngoại hình độc đáo và ý nghĩa đặc biệt của mình.
RM 66 mang biểu tượng “Ký hiệu sừng” (ngón trỏ và ngón út dơ lên, ngón cái giữ ngón đeo nhẫn và ngón giữa). Ký hiệu này mang nhiều ý nghĩa theo nhiều nền văn hoá. Nhưng nhìn chung đây là biểu tượng xua đuổi những điều tiêu cực, xua đuổi cái ác, trừ tà khi gặp những điều không may mắn trong cuộc sống, ký hiệu này có thể xua tan điềm gở.
Trong bộ môn Hatha yoga, một động tác tay tương tự “Ký hiệu sừng” còn được gọi là Apana Mudra, động tác được tin là giúp trẻ hóa cơ thể. Trong Phật giáo, “Ký hiệu sừng” được xem là một động tác giải nạn nhằm trừ tà, loại trừ năng lượng tiêu cực và xua đuổi cái ác. Nó thường được tìm thấy nhiều trên các bức tượng Thích-ca Mâu-ni. Động tác còn được phát hiện ở một bức tượng Lão Tử, vị tổ sư của Đạo giáo vào thời nhà Tống trên núi Thanh Nguyên, Trung Quốc.
Ngoài ý nghĩa tôn giáo và tín ngưỡng, “Ký hiệu sừng” còn được sử dụng rộng rãi trong âm nhạc. Người đầu tiên truyền bá biểu tượng này chính là huyền thoại nhạc rock heavy metal Ronnie James Dio, đây là một ký hiệu tay không chỉ của các fan nhạc rock, mà nó còn mang tính văn hóa đại chúng rất cao. Không chỉ vậy, các nghệ nhân của RM đã chọn cách thể hiện biểu tượng này bằng hình ảnh một bàn tay xương, qua đó khéo léo lồng ghép vào thiết kế của mình ẩn ý sâu xa về chủ nghĩa ‘Memento Mori’ – một câu thành ngữ tiếng Latinh có nghĩa là “Hãy nhớ, ngươi rồi sẽ chết”. Câu thành ngữ nghe qua có vẻ tiêu cực, tuy nhiên nó nhắc nhở con người về một cái kết không thể tránh khỏi của vạn vật, qua đó khuyên răn con người nên tận hưởng cuộc sống hiện tại cũng như buông bỏ những dục vọng ràng buộc chúng ta.
Tất cả nhằm nêu lên tư tưởng bao trùm lên toàn bộ chiếc đồng hồ này, thiết kế này không hề đáng sợ, đó là sự khẳng định sự tồn tại của bản thân, đó là rock ‘n’ roll. Thông điệp này được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ thiết kế của RM 66, tất cả các chi tiết đều mang đậm nét thẩm mỹ của punk rock.
Từ những cái nhìn đầu tiên, RM66 ngay lập tức tạo ấn tượng mạnh với cấu trúc openwork rất đẹp mắt – vốn là một lĩnh vực thế mạnh của Richard Mille. Trung tâm của thiết kế này chính là hình ảnh bàn tay đang tạo dáng “the horn”. Các ngón tay của biểu tượng được chế tác dưới sự giám sát của Olivier Vaucher – 1 nghệ nhân điêu khắc nổi tiếng ở Geneve được đánh bóng, hoàn thiện hoàn toàn thủ công bằng tay. Chiếc đồng hồ mất 1.500 giờ nghiên cứu và phát triển, riêng bộ vỏ đã mất 9 tháng làm việc. Bộ vỏ 3 lớp với 2 mặt trên dưới được chế tác từ Carbon TPT – một chất liệu độc quyền của Richard Mille với khả năng chống mài mòn, chống sốc vượt trội và đặc biệt là cực kỳ nhẹ.
Một điểm đặc biệt khác của chất liệu này là mỗi bộ vỏ đều là độc nhất với các vân damascene khác nhau, các họa tiết này cũng gợi nhớ đến trào lưu thời trang Glam Rock style của các ngôi sao rock’n’roll thời kỳ hoàng kim thập niên 70 – 80 của thế kỷ trước. Bộ vỏ có kích thước 42.70 x 49.94mm, được kết nối bởi 20 ốc vít bằng titan cấp độ 5 và có khả năng chống nước ở độ sâu 50m. Hai cạnh bên của bộ vỏ được trang trí bằng các họa tiết gai bằng vàng Red Gold 5N, lấy cảm hứng từ trào lưu thắt lưng gai của các rocker vào những năm 2000, hay nó còn được gọi bằng một cái tên mỹ miều khác là họa tiết clou de Paris.
Tạm gác lại những nét táo bạo trong thiết kế của bộ vỏ, chúng ta sẽ đi vào vẻ đẹp của nghệ thuật chế tác đồng hồ đỉnh cao thông qua phần mặt số open worked cực kỳ đẹp mắt của RM 66. Ngay bên dưới biểu tượng bàn tay, tại vị trí 6h là hộp cót cung cấp năng lượng cho bộ máy và tại vị trí 12h chính là lồng tourbillon cực kỳ tinh xảo.
Flying tourbillon là một cơ chế cực kỳ phức tạp khi nó được lắp ráp mà không có phần cầu nối phía trên, nhờ đó khi hoạt động nó sẽ tạo cảm giác lồng tourbillon đang bay lơ lửng và đem đến hiệu ứng thị giác hoàn hảo. Không chỉ mang tính thẩm mỹ cao, cơ chế flying tourbillon với bộ cân bằng bung tự do còn mang lại độ tin cậy cao hơn với khả năng chống va đập của mình.
Một chi tiết đặc biệt khác của RM 66 mà không thể không nhắc đến đó là núm vặn đồng hồ. Núm vặn có khả năng tự ngắt khi lực căng của dây cót đạt mức tối đa, giúp bảo vệ hộp cót và dây cót trong quá trình lên dây, việc hoàn thiện và thiết kế vô cùng phức tạp, RM đã dành hơn 200 giờ làm việc cho chức năng này. bọc bên ngoài núm là chất liệu titanium được chế tác tinh xảo theo hình con nhện với các chân bao quanh, chính giữa núm là biểu tượng hình đầu lâu, 1 điểm nhấn nhỏ thôi nhưng thể hiện sự tinh tế của hãng, mất tổng cộng 12h để lắp ráp tất cả các chi tiết của riêng phần núm.
RM 66 sử dụng bộ chuyển động cùng tên Calibre RM66 với cơ chế lên cót thủ công. Các cầu nối và tấm nền đều được chế tác từ titanium cấp độ 5 siêu cứng và có khả năng chống ăn mòn vượt trội. Những công nghệ đáng giá được ứng dụng trong hộp cót đã cải thiện đáng kể hiệu suất cũng như độ chính xác của bộ máy này, RM66 có khả năng tích trữ năng lượng tối đa lên đến 72h.