Giỏ hàng

Danh mục blog

Từ khóa

Vacheron Constantin tái hiện văn minh cổ đại trên đồng hồ

Vacheron Constantin và bảo tàng Louvre tái hiện nền văn minh Ba Tư, Ai Cập, Hy Lạp và La Mã trên mặt số đồng hồ.

Tại Paris, Pháp cuối tháng 5, Vacheron Constantin giới thiệu bốn phiên bản giới hạn nằm trong bộ sưu tập mới - "Métiers D’art", đánh dấu màn hợp tác với bảo tàng Louvre (Pháp). Lấy cảm hứng từ các cổ vật được lưu trữ ở Louvre, các thiết kế lần lượt vinh danh nền văn minh cổ đại nổi bật gồm: đế chế Ba Tư, Ai Cập, Hy Lạp và La Mã.

Hãng chỉ sản xuất năm chiếc cho mỗi mẫu. Các mặt số được chế tác bởi kỹ thuật thủ công khác nhau, thể hiện tài năng bậc thầy của các nghệ nhân trong lĩnh vực thu nhỏ các chi tiết cầu kỳ ở không gian hạn chế. Loạt kỹ thuật được lựa chọn phần nào phản ánh nghệ thuật của tác phẩm gốc tại bảo tàng.

Nằm trong bộ vỏ có đường kính 42 mm là bộ máy automatic Caliber 2560 G4/2 do thương hiệu tự sản xuất. Giờ, phút, lịch ngày và thứ hiển thị ở các khẩu độ mở quanh rìa mặt số. Mỗi đồng hồ có một bản khắc văn tự liên quan thời đại tương ứng trên mặt kính, cung cấp thêm thông tin cho chủ nhân.

Dòng Lion de Darius gợi nhớ Darius Đại đế và vương triều Ba Tư. Mặt số chế tác bằng kỹ thuật khảm đá cẩm thạch - kỹ thuật hiếm thấy trong ngành đồng hồ - nhằm tạo kết cấu giống tác phẩm gốc.
Với các họa tiết chữ hình nêm, phù điêu sư tử tráng men champlevé và hoa văn khác lấy từ di tích cung điện tại Tây Nam Iran, đồng hồ là biểu tượng quyền lực của đế chế Ba Tư xưa.

Thiết kế Grand sphinx de Tanis gợi lại mẫu vật có phần quen thuộc - tượng Nhân sư Ai Cập, ra đời khoảng năm 2000 TCN và có mặt tại bảo tàng Louvre từ năm 1826.
Mặt số tráng men xanh đen được trang trí bằng các yếu tố lấy cảm hứng từ chiếc vòng cổ khắc trên quan tài của nhà thiên văn học Ai Cập cổ đại và người ghi chép Nakht-khonsou-irou.

Mẫu Victoire de Samothrace tôn vinh một trong những hiện vật nổi tiếng nhất tại bảo tàng Louvre - tượng nữ thần chiến thắng Samothrace từ triều đại Antigonid, Hy Lạp.
Mặt số màu nâu có phần đơn giản, thực tế là hỗn hợp sáu tinh thể và một số men hiếm gặp, tráng bên ngoài theo phong cách những chiếc bình Hy Lạp cổ.

Dòng Buste d’Auguste mô tả bức tượng bán thân của Octavian Augustus - hoàng đế của đế chế La Mã. Lấy ý tưởng từ tấm giáp ngực của hoàng đế, mặt số kết hợp vàng chạm khắc cho phù điêu trung tâm. Chi tiết tráng men, khảm đá quý xung quanh lấy cảm hứng từ bức tranh nổi tiếng thế kỷ thứ 4.

Theo đại diện thương hiệu, tương tự các mẫu thiết kế khác trong bộ sưu tập "Métiers d’Art", bộ tứ Tribute to Great Civilisations có giá trị tồn tại theo thời gian.

Theo nguồn: Vnexpress