Giỏ hàng

Danh mục blog

Từ khóa

Vacheron Constantin triển lãm di sản đồng hồ tại TP HCM

Triển lãm diễn ra tại TP HCM tháng 8, tái hiện hành trình phái đẹp vừa là giới mộ điệu, vừa tham gia sáng tạo đồng hồ cùng Vacheron Constantin.

Thương hiệu Thụy Sĩ mang đến 8 mẫu đồng hồ nữ quý hiếm được chế tác từ thế kỷ 19-20, vinh danh nghệ thuật, thời trang cao cấp lẫn mối lương duyên của Vacheron Constantin với phái đẹp. Đại diện ban tổ chức cho biết sự kiện giới hạn khách mời.
"Người xem có thể hiểu rõ lịch sử những cỗ máy vốn dành cho các quý cô thượng lưu, trong số đó có bá tước, công nương, nữ hoàng... các quốc gia châu Âu. Chiếc đầu tiên trong loạt tạo tác triển lãm đã có từ 1838, tức 185 năm trước", đại diện ban tổ chức tiết lộ..

Đồng hồ mặt dây chuyền điểm chuông một phần tư giờ cho nữ ra đời năm 1838, chế tác từ vàng, chạm trổ thủ công hoa lá.
Mẫu đa chức năng này từng được dùng để đọc giờ khi đêm xuống như một cách bắt chuyện. Khi ấy, Vacheron Constantin được xem là chuyên gia về cơ chế điểm chuông.

Cỗ máy mặt dây chuyền ra mắt một năm sau đó, đại diện cho kiểu đồng hồ tráng men champlevé nhiều màu, chạm khắc thủ công hoa cỏ, thiên nhiên. Nghệ nhân tạo hình đường nét và chiều sâu mô-típ trang trí bằng chuyển động tay chính xác đến 1/10 mm.

 

Kho tàng Vacheron Constantin sở hữu chiếc đồng hồ mặt dây chuyền hình bọ cánh cứng bằng vàng 18K, cánh tráng men xanh và đen, nạm kim cương, hồng ngọc. Chế tác xuất hiện năm 1910, dành cho thị trường Trung Quốc. Theo ông Alfred Chapuis, hãng đã đặt nền móng cho đồng hồ trang sức tại thị trường này.

 

Năm 1917, nhà chế tác giới thiệu các quý cô cách đọc giờ tinh tế với mẫu đồng hồ giấu mặt số sau một viên ngọc lục bảo, có thể nhấc lên, đậy lại dễ dàng. "Đồng hồ giấu mặt cho phép xem giờ mà không ai biết, lịch sự và bắt mắt khi đeo trong tiệc tối", đại diện ban tổ chức triển lãm lý giải.

 

Đến triển lãm, giới mộ điệu còn được chiêm ngưỡng đồng hồ đeo tay ra đời năm 1919, được xem là phiên bản tiêu biểu đầu thế kỷ 20. Hàng số Ả Rập khác thường - nét đặc trưng của phiên bản avant-garde khi ấy.

Từ 1928, Vacheron Constantin gây chú ý với những mẫu "đồng hồ bất ngờ", còn gọi "ghen tuông". Một chiếc từng bán cho Công nương Beatrice, Tây Ban Nha hồi 1931.

Năm 1955 - thời kỳ Art Deco, đồng hồ xuất hiện hình dáng hoa mỹ như oval, chữ nhật, vuông có bo góc hoặc không. Chúng thường được kéo dài, uốn cong để vừa khít cổ tay. Trong ảnh là phiên bản "Serpenti", thuộc giai đoạn hậu chiến khi xa xỉ phẩm dần trở lại, kèm theo đó là hợp nhất giữa thời trang và trang sức.
Năm 2021, Vacheron Constantin từng mang nhiều tạo tác biểu tượng, trong đó có chiếc 222 nguyên bản, đến Hà Nội qua triển lãm chủ đề "Chuyến du hành vào khởi nguyên của tinh thần thể thao thanh lịch". Tại Watches & Wonders Geneva (Thụy Sĩ) sau đó vài tháng, hãng gây tiếng vang khi giới thiệu phiên bản 222 mới.

Theo nguồn: Vnexpress